Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, nơi đã nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ thanh niên thành phố mang tên Bác, đang kỷ niệm 33 năm ngày thành lập (4/9/1975 – 4/9/2008). Kế tục truyền thống, bước vào tuổi 34, Nhà văn hóa Thanh niên đang có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức hoạt động để trở thành điểm đến không thể thiếu của thanh niên thành phố.
Trụ sở số 4 Phạm Ngọc Thạch của Nhà văn hóa Thanh niên hiện nay từng là trụ sở số 4 Duy Tân nổi tiếng của Tổng hội Sinh viên, Tổng đoàn học sinh, Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn trước đây. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nơi đây là điểm hội tụ của 5 cánh quân Thành Đoàn. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 9/1975, Ban Thường vụ Thành Đoàn quyết định chọn số 4 Duy Tân làm Câu lạc bộ Thanh niên, đến năm 1979 nâng cấp thành Nhà văn hóa Thanh niên.
Kế tục truyền thống hào hùng của tuổi trẻ thành phố, trong 43 năm qua, Nhà văn hóa Thanh niên đã không ngừng nỗ lực, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, giao lưu, rèn luyện kỹ năng cho thanh niên. Chính từ ngôi nhà chung rất đỗi tự hào mà thân quen này, nhiều hạt giống đã được ươm mầm tài năng, được chắp cánh để trở thành những người có nhiều đóng góp cho thành phố và đất nước.
Trong gần 43 năm qua, Nhà văn hóa Thanh niên đã thu hút hàng chục triệu lượt thanh niên đến tham gia sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí. Hiện nay, Nhà văn hóa Thanh niên được tổ chức thành ba khối với tám phòng chức năng. Khối hoạt động bao gồm Phòng Văn hóa – Nghệ thuật, phòng Khoa học – Giáo dục, Phòng Thể dục thể thao – Kỹ năng thực hành xã hội. Khối đào tạo và dịch vụ gồm Phòng Đào tạo, Phòng Khai thác dịch vụ và Tổ chức sự kiện. Khối đảm bảo gồm các Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Tài chính – Kế toán, phòng Quản trị.
Hoạt động đào tạo là một trong những thế mạnh của Nhà văn hóa Thanh niên, hiện nay được mở rộng tại nhiều cơ sở: Trung tâm văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam; trung tâm dạy nghề Phú Nhuận; trường kỹ thuật nghiệp vụ kỹ thuật số 2 Biên Hòa. Nội dung đào tạo đa dạng, từ kỹ năng đến năng khiếu, trong đó chú trọng đến kỹ năng ứng dụng nghệ thuật, kỹ năng thực hành xã hội, các bộ môn văn hóa nghệ thuật… với đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, có uy tín phụ trách đào tạo đến từ nhiều trường đại học.
Đặc biệt, Nhà văn hóa Thanh niên hiện là nơi sinh hoạt của hơn 30 câu lạc bộ, đội, nhóm, thu hút hàng ngàn hội viên đến tham gia sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội, nhóm trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là câu lạc bộ Lý luận trẻ, câu lạc bộ Dẫn chương trình, câu lạc bộ Tuổi trẻ về nguồn… Bên cạnh việc tổ chức hoạt động chuyên môn, sở thích, các câu lạc bộ, đội nhóm Nhà văn hóa Thanh niên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hiến máu nhân đạo, diễn văn nghệ và phát quà cho bà con ở các nơi vùng sâu vùng xa…
Cùng với việc tổ chức các hoạt động thường xuyên thu hút và đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí lành mạnh của thanh niên, Nhà văn hóa Thanh niên còn là địa điểm sinh hoạt chính trị lớn của thanh niên thành phố. Nhiều sự kiện chính trị trọng đại của Đoàn và thanh niên thành phố diễn ra tại đây như các kỳ đại hội Đoàn thành phố, tổ chức liên hoan thanh niên tiên tiến miền Đông Nam bộ, các chương trình giao lưu văn hóa thanh niên quốc tế. đặc biệt trong năm 2008, Nhà văn hóa Thanh niên đang tổ chức cuộc vận động sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu Sử ca Việt Nam gây được tiếng vang lớn.
Cùng với sự đổi mới, phát triển không ngừng của đời sống xã hội, đặc biệt là sự nhận thức và những nhu cầu, thị hiếu của đoàn viên, thanh niên cũng thay đổi nhanh chóng, Nhà Văn hóa Thanh niên không ngừng tiếp tục sáng tạo, đổi mới để mang đến nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Nhiều chương trình của đơn vị đã đang làm nên thương hiệu một Nhà Văn hóa Thanh niên – điểm hẹn tuổi trẻ.