Hủy show – Đằng sau sự tiếc nuối hay giận dữ của khán giả còn có thứ lớn hơn: đó là những thiệt hại về tiền và thậm chí không đo đếm được bằng tiền. Người lãnh đủ không hẳn là công chúng mà nhiều khi còn là uy tín của cả một thị trường biểu diễn âm nhạc với rất nhiều nhà sản xuất trong đó.
Khán giả Việt khá quen với chuyện hủy show, nhất là với những show trong nước. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu đến từ phía nhà tổ chức, nghệ sĩ, thời tiết hoặc thực tế bán vé. Việc hủy show tại Việt Nam tuy không ít, nhưng cũng chưa đến mức khiến khán giả giận dữ mất niềm tin hay khiến cho giới sản xuất âm nhạc lao đao. Thị trường âm nhạc trong nước vẫn đều đặn cho ra đời các sản phẩm mới và gương mặt mới.
Kể từ khi giải trí quốc tế với các ngôi sao đổ bộ, đi cùng với những bữa tiệc thật sự mãn nhãn thì khán giả Việt cũng bắt đầu nhận được các cảm giác sốc thế nào khi hủy show. Gọi là sốc bởi cơn khát và sự kỳ vọng quá lớn, khi mà những thần tượng âm nhạc thế giới vốn chỉ quen nghe nhìn qua online hay TV thì nay có cơ hội được nhìn tận mắt.
Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ III tại Việt Nam
Sự kiện chuyên ngành thang máy và linh phụ kiện tổ chức tại TP. HCM với quy mô 120 gian hàng
Đăng ký ngayTham khảo:
- Làm thế nào để tăng doanh thu cho các sự kiện bán vé
- Tiệc Gala Dinner và những điều bạn chưa biết
- Đâu là điểm nhấn sáng tạo khi tổ chức sự kiện?
Cho đến nay, đã có các vụ hủy show của sao quốc tế làm tan nát các con tim Việt. Có thể kể đến từ vụ hủy show của Lee Min Ho năm 2013, hủy show của Psy năm 2015, buổi gặp fan của Jessica bị hủy cuối 2016, hay sự cố đáng tiếc của Bad Boys Blue & Sandra đầu năm 2017 khiến hàng triệu fan Việt tiếc nuối.
Việc hủy show của Ariana Grande là cú sốc lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, không chỉ bởi cô là một trong những tên tuổi giải trí quốc tế đương đại lớn nhất từng đến dải đất hình chữ S mà còn là việc thông tin hủy chỉ được đưa ra vỏn vẹn 5 tiếng trước giờ diễn.
Với những cú sốc “tầm vóc” quốc tế như vậy, có vẻ như khán giả là người chịu thiệt thòi nhất. Tuy nhiên câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Thiệt hại và mất mát về cảm xúc của khán giả còn có sự song hành của nhiều thiệt hại khác nữa, trong đó có tiền bạc, uy tín và khủng khiếp hơn đó là niềm tin dành cho thị trường âm nhạc quốc tế tại Việt Nam.
Cỗ máy với rủi ro khổng lồ khi hủy show
Không đơn giản như tổ chức một show trong nước, show quốc tế thực sự là 1 cỗ máy khổng lồ với sự tham gia của rất nhiều yếu tố và rủi ro thất bại luôn lơ lửng trên đầu các nhà sản xuất.
Để dễ hiểu, có thể hình dung có 3 bên tách biệt: Bên bán, bên mua và bên thưởng thức, trong đó bên bán là nghệ sĩ và hệ thống quản lý nhiều tầng lớp của nghệ sĩ ở nước ngoài, bên mua là nhà sản xuất trong nước và bên thưởng thức là khán giả.
Đầu tiên phải tiếp xúc được với nghệ sĩ quốc tế để thỏa thuận lịch diễn, cát xê và các điều kiện kèm theo. Đấy là với nhà sản xuất có uy tín, có quan hệ và kèm chút may mắn. Còn với những ai thấp cổ bé họng thì buộc phải thông qua nhiều tầng lớp “cò” đại diện với chi phí đội lên gấp nhiều lần.
Nếu nghệ sĩ có lịch tour và nhận được offer cát xê hợp lý, quản lý và các bên liên quan của nghệ sĩ sẽ xét đến uy tín của nhà sản xuất, năng lực và kinh nghiệm tổ chức, khả năng truyền thông, tiếp thị hình ảnh và bán vé, và cuối cùng là khả năng đáp ứng các điều kiện kỹ thuật.
Riêng việc vượt qua vòng “gửi xe” này cũng đã khiến cho nhà sản xuất “tổn thất” khá nhiều bởi khác với trong nước khi nghệ sĩ có thể nhận cát xê sau show, đối với show quốc tế nhà sản xuất phải trả 100% cát xê và các chi phí khác cho bên nghệ sĩ trước khi show diễn ra.
Tiếp theo đó, nhà sản xuất phải lo đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, bảo hiểm, ăn ở đi lại, truyền thông, hình ảnh, bản quyền, tác quyền, quảng cáo, tiếp thị, mà trong rất nhiều trường hợp con số cộng lại cao gấp nhiều lần cát xê. Có nhiều show trên thế giới từng bị hủy vì không đáp ứng được 1 trong vô vàn tiểu tiết này. Nhiều nghệ sĩ quốc tế còn muốn kiểm soát cả cả giá vé (nếu là show có bán vé) nhằm đảm bảo uy tín của mình. Nhiều nhà sản xuất phải chấp nhận bên cạnh việc trả cát xê còn phải ăn chia theo tỷ lệ vé bán ra với nghệ sĩ.
Đó là rủi ro về tổ chức. Các rủi ro về thời tiết và những trường hợp bất khả kháng cũng là những yếu tố rình rập khiến cho nhiều show bị hủy.
Cuối cùng, kể cả khi nhà sản xuất đáp ứng được tất cả các điều kiện trên và thời tiết hoàn toàn ủng hộ thì vẫn còn một rủi ro nữa. Rất nhiều show với các sao khủng trên thế giới từng bị hủy vì nghệ sĩ bị “ốm”. Có thể kể đến vụ hủy chuyến lưu diễn châu Á của Celine Dion năm 2013, vụ hủy show tại Atlanta của Taylor Swift năm 2011 và mới đây nhất trong tháng 6 là nữ hoàng Adele tuyên bố hủy 2 show cuối cùng trong tour diễn tại Anh với lý do viêm họng. Đó là những trường hợp được cho là chính đáng. Tuy nhiên còn nhiều lần ca sĩ đỏng đảnh tới mức chỉ cần chút phật ý là hủy show, bất chấp hậu quả gây ra cho các bên như thế nào.
Hệ quả của hủy show
Không bàn đến nguyên nhân hay đúng sai từ bên nào, hậu quả của việc show bị hủy là rất lớn.
Nghệ sĩ rất ít khi chịu hậu quả bởi đã nhận đủ cát xê. Phần được coi là thiệt hại với nghệ sĩ có chăng là không thu được phần chia bán vé (trong trường hợp thỏa thuận có ăn chia bán vé).
Khi show bị hủy thì người lãnh đủ nặng nhất chính là nhà sản xuất (bên mua), tiếp theo là khán giả (bên thưởng thức) và với trường hợp show quốc tế diễn ra tại Việt Nam thì có phần ảnh hưởng đến tiếng tăm của thị trường biểu diễn quốc tế trong mắt giới giải trí quốc tế.
Trước hết đó là tiền bạc. Nhà sản xuất vẫn phải trả đủ chi phí thuê địa điểm, dàn dựng sân khấu, trang thiết bị toàn bộ phục vụ cho show diễn, và tất cả các chi phí sản xuất khác. Tổn thất sẽ nặng hơn nếu show bị hủy sát giờ bởi nó đồng nghĩa chi phí đã được chi ra là toàn bộ bởi lúc đó đã phải chi đủ cho truyền thông và tiếp thị.
Nếu nhà sản xuất có năng lực và không bị phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài thì coi như một khoản rủi ro trong kinh doanh. Thậm chí trong trường hợp chi phí đến từ đi vay thì cũng chỉ coi là rủi ro về tài chính đối với nhà sản xuất. Nhưng nếu như nguồn đầu tư đến từ nhà tài trợ thì hậu quả sẽ khôn lường. Khi đó, tổn thất sẽ được coi là khủng hoảng kép. Ngoài việc hai bên phải thương lượng chia sẻ rủi ro với nhau thì những ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu tài trợ là rõ ràng.
Tiếp theo là uy tín của nhà sản xuất. Có nhiều show bị hủy bởi những lý do không rõ ràng hoặc không làm thỏa mãn sự tò mò quan tâm của công chúng nên ít nhiều uy tín của nhà sản xuất sẽ bị tác động. Môi trường biểu diễn quốc tế có sự kết nối và chia sẻ thông tin rất rộng nên điều này sẽ ảnh hưởng đến những lần tiếp theo khi nhà sản xuất làm các show sau với các đối tác khác.
Duy chỉ có trường hợp của Bad Boys Blue gặp tai nạn và buộc phải hủy show hồi đầu năm nay là việc hi hữu. Nhà sản xuất IB Group đã nhận được nhiều sự cảm thông và chia sẻ từ công chúng khi nghe tin nghệ sĩ bị tai nạn nhiều ngày trước khi đến Việt Nam mặc dù cũng phải chịu thiệt hại đáng kể. Sau khi bình phục, nghệ sĩ hiện sẵn sàng quay trở lại Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp theo nữa là cảm xúc của công chúng. Việt Nam vẫn đang ở áp chót về thị trường giải trí quốc tế trong khu vực. Khán giả tiềm năng cho các show nhạc quốc tế tại Việt Nam vừa nhiều vừa ít. Nhiều vì ai cũng khát bởi ít có cơ hội được xem, ít vì không phải ai cũng có khả năng tài chính để mua vé. Khán giả Việt Nam đang rất cần những cú huých thực sự để có thêm thói quen hướng đến giải trí quốc tế nói chung và Âu Mỹ nói riêng, thay vì chỉ biết đến VBiz hay KPOP như hiện nay. Những vụ hủy show như vậy tác động không nhỏ đến tâm lý của khán giả, khiến cho thói quen này càng khó khăn hơn.
Cuối cùng là các tác động đến hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ điểm đến của giải trí Âu Mỹ. Hàng năm có hàng trăm show lớn nhỏ diễn ra tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, nhưng Việt Nam thì vẫn lặng lẽ nằm ngoài. Không phải bởi các nhà sản xuất không muốn nhưng vì nhiều lý do (trong đó có yếu tố tài chính) mà khán giả Việt vẫn phải chấp nhận đứng xa mà nhìn, điển hình là tháng 6 vừa qua chúng ta mất đi cơ hội được gặp Britney Spear lần đầu tiên tại Việt Nam.
Việc các show bị hủy sẽ khiến cho điểm đến Việt Nam càng ít cơ hội được lựa chọn trong các tour diễn. Điều này sẽ thiệt thòi cho cả nhà sản xuất lẫn khán giả trong nước bởi nếu Việt Nam được lựa chọn cho tour thì các điều kiện của nghệ sĩ đưa ra sẽ bớt khắt khe hơn.
Việc mời được Ariana Grande đến Việt Nam là nỗ lực và thành công lớn của nhà sản xuất nhưng kết cục của nó lại không thể buồn hơn. Lĩnh vực sản xuất show âm nhạc vốn đã đầy rủi ro lại càng rủi ro hơn khi tổ chức các show quốc tế. Dân trong nghề mới hiểu được rằng sự kiện không có “phốt” là sự kiện chưa bao giờ xảy ra.
Cho dù như vậy nhưng các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ không nản chí, bởi xét cho cùng thị trường giải trí âm nhạc quốc tế mới đang hình thành. Chắc chắn rằng tới đây Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đón các gương mặt mới và khán giả vẫn sẽ tiếp tục được thỏa mãn cơn khát của mình. Chỉ có điều chúng ta cần phải lớn hơn nữa trong năng lực và kinh nghiệm “deal” trong cuộc chơi của cỗ máy khổng lồ này.
Nguồn bài viết: Khôi Phan – Phó TGĐ IB Group Việt Nam