“Ý tưởng là ưu tiên số 1” – đó là khẳng định của những ai làm event. Dự một lễ hội hoặc quảng cáo sản phẩm, bạn sẽ được tham gia nhiều trò chơi độc đáo, bất ngờ bởi cách tổ chức sự kiện ấn tượng. Và bạn chợt trầm trồ: “Ồ, công ty này sao mà nghĩ ra nhiều “chiêu độc” thế nhỉ?”. Chính những câu khen ngợi này là điểm giúp công ty tổ chức sự kiện “ăn tiền” bởi họ đã dày công suy nghĩ tìm ý tưởng, điểm nhấn sáng tạo khi tổ chức sự kiện để “dụ” khách hàng.
Hiện nay vẫn còn nhiều người nghĩ rằng một event thì luôn có những tiết mục kèm theo như ca nhạc, biểu diễn thời trang, nhảy múa, trò chơi và event đó được tổ chức một cách trình tự, chuyên nghiệp. Và các bạn nghĩ những tiết mục đó là điểm nhấn ấn tượng cho chương trình thì thật sự chưa phải. Vì những tiết mục đó chỉ là phần phụ cho điểm nhấn sáng tạo khi tổ chức sự kiện mà thôi.
Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ III tại Việt Nam
Sự kiện chuyên ngành thang máy và linh phụ kiện tổ chức tại TP. HCM với quy mô 120 gian hàng
Đăng ký ngayXem thêm:
- 10 ý tưởng sự kiện độc đáo dựa trên công nghệ hiện đại
- 3 điểm cần lưu ý khi lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện
Vậy một điểm nhấn sáng tạo trong event bao gồm những điều gì? Đó là: chuyển tải chủ đề, giao thoa cảm xúc với khách hàng, thăng hoa nghệ thuật. Trong các yếu tố trên thì “chuyển tải chủ đề và giao thoa cảm xúc với khách hàng” là quan trọng nhất.
Cách tạo điểm nhấn sáng tạo khi tổ chức sự kiện
Làm sao để chuyển tải chủ đề event đến khách hàng và giao thoa cảm xúc? Rất đơn giản ,vì chủ đề của event thường gắn bó với đời sống thường ngày. Ví dụ như event cám ơn khách hàng, event kỉ niệm thành lập công ty, event giới thiệu sản phẩm, event ca nhạc, event fashion show, và rất nhiều loại event nữa, nhưng nếu các bạn chú ý thì sẽ thấy những chủ đề event đó là những hành động thể hiện hàng ngày của chúng ta như ca hát, ăn mặc thời trang, tặng thiệp khi cám ơn ai đó, kể chuyện về chủ đề nào đó, mua sắm vật gì đó chẳng hạn.
Khi các bạn xác định là hành động nào cho chủ đề nào thì lúc đó các bạn cần xem xét chi tiết về hành động đó để biến tấu, thay đổi làm sao cho nó mang sự giao thoa cảm xúc đến khách tham dự. Các bạn phải đứng ở vị trí khách tham dự để cảm nhận, đây cũng là phương pháp tập luyện thường xuyên khi đứng ở vị trí công ty và người tham dự để đưa ra những ý kiến, nhận xét khách quan hơn.
Trước đây mình tổ chức một event với chủ đề là “Cảm Ơn Khách Hàng” về sự ủng hộ sản phẩm công ty suốt thời gian qua. Lúc đó với chủ đề là Cảm Ơn Khách Hàng thì hành động cho chủ đề là tặng thiệp được thiết kế rất trang trọng và đẹp mắt, còn làm sao để chuyển tấm thiệp đó đến khách hàng thì mình sẽ nói ở phần sau. Đó là một ví dụ để các bạn thấy rõ việc chuyển tải chủ đề và giao thoa cảm xúc trong event.
Qua kinh nghiệm làm event, mình nhận thấy việc làm giàu cho kỹ năng sống là rất quan trọng. Các bạn không những học hỏi nó từ cuộc sống, sách vở, mà còn học hỏi các nền văn hóa khác nhau, những chương trình cộng đồng thông qua tivi, nó sẽ giúp bạn bổ sung kiến thức phong phú và lúc đó bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về hành động thể hiện cho chủ đề event.
Khi các bạn có đủ yếu tố chuyển tải chủ đề và giao thoa cảm xúc thì việc còn lại là tìm xem loại hình nghệ thuật nào thích hợp với hai yếu tố đó. Có rất nhiều loại hình nghệ thuật để bạn chọn như là ca nhạc, thời trang, nhảy múa, trò chơi, nhạc kịch, kịch thời trang… Nhưng để biến tấu sao cho phù hợp với hành động thể hiện chủ đề, giao thoa cảm xúc thì thật sự cần đến hai chữ là thăng hoa nghệ thuật. Vì chỉ khi đó mới có sự sáng tạo, thay đổi vượt qua điều cơ bản của những loại hình nghệ thuật. Và khi cả ba yếu tố ghép làm một thì được gọi là điểm nhấn sáng tạo. Để mình ví dụ cho các bạn dễ hiểu nha.
Ví dụ 1: Trong chương trình hội thảo mang thông điệp cảm ơn khách hàng ủng hộ trong thời gian qua (khách hàng là các bà mẹ được chọn từ chương trình bốc thăm may mắn) của công ty kinh doanh sữa ngoài Hà Nội, số lượng khách là 100 người, mình đã tổ chức một ca sỹ hát về mẹ. Đèn ở sân khấu, khán phòng được bật dịu xuống (không tắt hẳn) và thay bằng những ngọn nến được thắp lên xung quanh. Sau đó 20 em nhỏ xuất hiện từ phía sân khấu với những rổ hoa có đèn bên trong, trong rổ có những tấm thiệp với nội dung cảm ơn khách hàng đã ủng hộ công ty trong thời gian qua. Các em xuống phía dưới và tặng thiệp cho các bà mẹ (việc sắp xếp các bàn ghế sao cho tiện lợi để các em tặng được cho từng người). Các bé sẽ nhảy nhẹ nhàng theo nhịp bài hát, tạo ra không khí thân thiện, đầy cảm xúc với các bà mẹ. Khi đó:
- Hành động thể hiện: Tặng thiệp cho khách hàng cho chủ đề Cám Ơn Khách Hàng.
- Thăng hoa nghệ thuật: Bài hát về mẹ và điệu nhảy vốn chỉ dành cho sân khấu, thì nay lại được áp dụng cho việc kết nối với khách hàng trực tiếp. Để làm được như vậy thì phải có sự tập luyện nhiều hơn bình thường để có sự đồng bộ, gắn chặt với nhau.
- Giao thoa cảm xúc: Việc được các em bé tặng thiệp đã tạo sự thân thiện, gắn kết giữa khách tham gia và thương hiệu công ty khi để các bé tặng thiệp cho các bà mẹ. Ở đây có sự liên kết tâm lý vì bản thân các bà mẹ cũng đang có những đứa con và mong con mình cũng lớn lên giống các bé này vậy. Và khi kết hợp với múa biểu diễn thì càng làm tăng sự ấn tượng, cảm xúc dâng tràn của mỗi người mẹ.
Ví dụ 2: Đây là chương trình mình vừa làm xong cho khách hàng làm về ngành đầu tư tài chính và xây dựng, công ty làm một bữa tiệc khai trương ở khách sạn với số khách là 200 người. Khách hàng yêu cầu phải tạo nên sự khác biệt với những bữa lễ khai trương thông thường và phải chuyển tải đầy đủ thông điệp của công ty về sự quan tâm, chăm sóc, an toàn cho khách hàng thông qua việc xây dựng nên những căn nhà, tòa nhà trung tâm, trung tâm công nghiệp một cách đẹp mắt, ấn tượng, bền vững.
Với những yêu cầu như vậy thì mình đã nghĩ ra điểm nhấn cho việc truyền tải thông điệp của công ty đến khách hàng là sự kết hợp giữa múa bale và nghệ thuật kể chuyện. Nghệ thuật kể chuyện là một sự kể chuyện độc đáo, sáng tạo dựa trên thông điệp công ty muốn chuyển tải. Câu chuyện kể về gia đình có bố mẹ và một người con gái. Người bố thì làm kỹ sư tại trung tâm công nghiệp, người mẹ thì làm việc tại tòa nhà trung tâm và gia đình vừa mua được vài tháng.
Kế tiếp là phải thể hiện được gia đình có được cuộc sống yên bình. Những đứa trẻ có ước mơ tương lai của mình. Từ tòa nhà trung tâm thì phài thấy được sự thoải mái, hiện đại, hưng phấn, thành công trong công việc của người mẹ với những thiết kế cấu trúc đẹp mắt, ấn tượng. Từ trung tâm công nghiệp thì phải cho thấy sự hoàng tráng, bền chắc tạo cảm giác an toàn cho mọi người làm việc và nhất là người bố đang làm việc tại nơi đây.
Đó là toàn bộ kịch bản câu chuyện và được kể chuyện từ giọng trầm ấm, tình cảm, khéo léo. Câu chuyện này được thể hiện thông qua loại hình nghệ thuật múa bale. Mình chọn múa bale vì khách hàng ở đây bao gồm những thành phần khách thượng lưu: những công ty đối tác, chính quyền thành phố. Tất nhiên việc hướng dẫn múa thế nào cho hợp với kịch bản câu chuyện cũng thật sự là một cái khó cho mình, vì đây là lần đầu tiên kết hợp múa bale và nghệ thuật kể chuyện, nên tất cả phải giống như những gì đã vạch ra trong kế hoạch. Cuối cùng thì việc nỗ lực của mọi người cũng được đền đáp khi event được tổ chức thành công ngoài mong đợi, khi nhìn thấy rõ sự hài lòng từ công ty và các vị khách tham dự về ý tưởng sáng tạo này. Khi đó:
- Hành động thể hiện: Truyền tải thông điệp bằng cách kể chuyện.
- Thăng hoa nghệ thuật: Dùng loại hình nghệ thuật múa bale để thể hiện câu chuyện đã vượt qua điều cơ bản của bộ môn bale khi kết hợp từng hành động múa với từng câu chữ của câu chuyện.
- Giao thoa cảm xúc: Đây là lần đầu tiên các khách mời được thưởng thức sự kết hợp sáng tạo của hai bộ môn nghệ thuật để truyền tải thông điệp công ty trong sự kiện, mang đến cho khách mời sự tò mò, hấp dẫn, thỏa mãn và ấn tượng.
Kết
Có thể nói, điểm nhấn sáng tạo khi tổ chức sự kiện là một phần trong cả quá trình làm event bên cạnh những phần khác cũng quan trọng không kém như thiết kế sân khấu, thiết kế background,… Tìm kiếm ý tưởng là một công việc không đơn giản, nhất là từ khi nhận brief từ khách hàng cho đến lúc ra được một kế hoạch hoành chỉnh để giới thiệu đến họ là khoảng thời gian không dài. Việc sáng tạo ý tưởng là một yếu tố quyết định khả năng của người làm công việc sáng tạo trong lĩnh vực tổ chức sự kiện và phải diễn ra thường xuyên, như một thói quen, một phản xạ.
Theo: f-event